Tan nát vùng biên vì quặng bauxite



Những quả đồi nham nhở, bị khoét sâu để lộ ra những thớ đất đỏ au tại hai xã Tràng Phái và Tân Đoàn của huyện Văn Quan (Lạng Sơn) là kết quả từ những lần đào bới tìm quặng không thương tiếc. 

Tại địa bàn này, quy mô khai thác không lớn bởi chủ yếu là những điểm quặng nhỏ. Tuy nhiên, việc khai thác bừa bãi, không hoàn thổ đã biến rừng núi thành những bãi tan hoang.

Đào bauxite ngay trong vườn nhà


Đằm mình trong cái rét nhức xương của vùng đông bắc, dọc theo quốc lộ 1A hơn 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi có mặt tại hai xã Tân Đoàn và Tràng Phái của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Hai xã này được coi là vùng có những vỉa quặng lộ thiên nhiều nhất.
Các điểm khai thác ở đây chủ yếu là quặng bauxite, mỏ đá đen, đồng thời có cả quặng chì, kẽm, bạc đều lộ thiên.
Các con đường liên xã, liên thôn dẫn vào các điểm quặng cũng bị băm vằm không thương tiếc. Còn người dân hai bên đường hàng ngày phải hứng chịu hậu quả từ những chiếc xe chở quặng "hung thần".

Tại thôn Khòn Pá (xã Tân Đoàn), mỏ bauxite đang khai thác dở là của doanh nghiệp tư nhân Hồng Linh. Điểm quặng này khai thác đã được tám năm. Hầu hết các quả đồi tại thôn đều bị đào bới lôm nhôm, lao động chủ yếu là nhân dân xung quanh xã.

Họ đào bới quặng bauxite có khi ngay trong vườn nhà rồi gom tập trung bán lại cho doanh nghiệp Hồng Linh mang đi chế biến. Mỗi một xe tính trung bình được 6 khối, với giá 240.000đ.

Ở xã Tràng Phái cũng có hai mỏ quặng lộ thiên. Cách trung tâm xã không xa, tại thôn Lùng Thấm là mỏ bauxite của Công ty TNHH Minh Đức khai thác. Sản lượng tại mỏ này mỗi tháng được khoảng 2 nghìn tấn, chủ yếu là nằm lộ thiên.



Điểm khai thác quặng bauxite lộ thiên.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có hàng loạt mỏ khai thác đá đen, quặng chì, kẽm và nhiều điểm đang thăm dò. Các điểm thăm dò và khai thác từng ngày gặm nham nhở rừng núi và xả chất thải thẳng xuống khe núi. Nếu mưa to, nước đầu nguồn sẽ cuốn toàn bộ xuống xã Mai Sao của huyện Chi Lăng.

Bà Vi Thị Bày, người thôn Khòn Pá cho biết: “Trước kia, khu này trồng cây ăn quả. Từ khi có doanh nghiệp vào khai thác thì rừng đã bị đào bới lung tung, dân không trồng được cây nữa”.

Có mưa là trôi hết?

Cứ theo lời ông Nguyễn Chí Thanh, quản lí mỏ khai thác chì kẽm thuộc Công ty TNHH Mai Ánh, thì: “Chất thải của quặng làm gì có gì, toàn bột đá. Chỉ cần trận mưa là trôi  hết ấy mà”.

Tuy nhiên, ông Triệu Quang Trung - Phó chủ tịch UBND xã Tràng Phái cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường do khai thác quặng chì kẽm của Công ty Mai Ánh đã được kiểm tra nhiều lần.

Có mặt tại mỏ quặng chì kẽm, chúng tôi chứng kiến có khoảng 5 vòi nước thải xả thẳng xuống khe núi trước mặt. Theo dự báo của ông
Triệu Quang Trung thì xã Mai Sao của huyện Chi Lăng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nhất. 


Ống nhựa dẫn nước thải từ xưởng lọc quặng của Công ty TNHH Mai Ánh
Tương tự, mỏ bauxite tại xã Tân Đoàn cũng vậy. Người dân đã có đề nghị doanh nghiệp tư nhân Hồng Linh khẩn trương hoàn thổ lại phần đất bị đào bới do quá trình khai thác quặng gây ra nhưng đến nay, núi rừng vẫn tràn ngập hầm hố khoét sâu.

Tại mỏ quặng chì kẽm của Công ty Mai Ánh, đa phần công nhân tại các khu mỏ đều ở luôn tại nơi khai thác rác thải sinh hoạt trộn cùng thải quặng đổ ngay xuống chân núi. Cô Nguyễn Thị Cao, 50 tuổi cho hay: “Cứ mỗi lần có mưa hay nước lũ là tất cả rác thải lại trôi đi hết nên cũng chẳng phải lo gì hết”.

Cũng theo cô Cao: “Tuy ở trong rừng sâu nhưng ở đây mọi người cũng chẳng thiếu gì cả, từ cơm nước đến ngủ nghỉ đều có người lo cho cả, nếu muốn thứ gì chỉ cần gọi điện là sẽ có người mang vào cho”.

“Do buổi tối không đi chơi đâu được nên anh em lại ngồi đánh bài với nhau, có hôm lại kiếm thứ gì đó về nhắm với rượu cho đỡ lạnh”- Quang, một công nhân khai thác, bảo. Ngay lán gần chỗ công nhân ngủ còn có tivi, một bộ âm ly và loa lúc nào cũng chạy hết công suất. Đó cũng chính là thứ mà những thanh niên còn trẻ như Quang dùng để giải sầu trong rừng sâu heo hút.

Trữ lượng bauxite ở Văn Quan là 18 triệu tấn
Theo số liệu địa chất, trên địa bàn huyện Văn Quan có quặng bauxite ở 2 xã Tân Đoàn và Tràng Phái. Tổng trữ lượng khoảng 16 - 18 triệu tấn, nhưng phân bố không tập trung, năm 2000 đã tiến hành khai thác được khoảng 2.700 tấn. 
(Langson.gov.vn)

Xuân Trung- Dương Hưng
Bee.Net.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét